(XNP) - Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Mỹ Phước – Tân Vạn, thị trường bất động sản tại huyện Bàu Bàng – Bình Dương đang có nhiều tiềm năng sôi động trở lại khi hạ tầng giao thông dần hoàn thiện.
Vốn đầu tư công chảy mạnh, đường giao thông huyết mạch dần hoàn thiện
Bình Dương có lợi thế tiếp giáp với TP. HCM là “đầu tàu kinh tế” lớn nhất cả nước. Mặt khác, thông qua hệ thống giao thông đường bộ trục Bắc Nam của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa từ các KCN của Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tây Nguyên, các KCN phía Tây - Bắc Củ Chi của TP. HCM... đến các cảng biển, cảng sông và sân bay quốc tế thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Xác định được tầm quan trọng đó, nhiều năm qua, Bình Dương đã chủ động đi trước trong phát triển hệ thống giao thông đường bộ, tạo ra một sự khác biệt rõ nét, giành thế chủ động trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Để nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông hiện hữu và đầu tư mới các tuyến giao thông chiến lược, ngay từ đầu năm, tỉnh Bình Dương đã đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 tổng số hơn 21.800 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, có hơn 18.600 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách tỉnh, gấp 2,17 lần năm 2022, nhằm sớm hiện đại hóa, kết nối đồng bộ các tuyến giao thông nội tỉnh và liên vùng trên địa bàn.
Đáng chú ý, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn có tổng chiều dài 62km đã được tỉnh thông qua chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông (dự án O&M) giao cắt các đường tỉnh ĐT 746, ĐT 747B, ĐT 743 với mức đầu tư dự kiến hơn 9.600 tỷ đồng.
Theo đó, sẽ có thêm 6 cầu vượt gồm: cầu vượt QL 1A dài 163m; cầu vượt QL 13 dài 300,68m; cầu vượt vào khu ICD TBS - Tân Vạn dài 143m; các cầu vượt đường Phạm Ngọc Thạch; cầu vượt ĐT 741; cầu vượt nút giao XE1 - KCN Mỹ Phước dài 282,75m. Ngoài ra còn có 6 hầm chui trên tuyến chính, 15 hầm chui đường ngang và 28 cầu vượt cho người đi bộ.
Mặt khác, tuyến Vành đai 3 - TP.HCM, đoạn trùng với tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài 10,76km cũng đã được khởi công vào cuối tháng 6 vừa qua với tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng (2 giai đoạn).
Theo các chuyên gia, tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn có quy mô quốc gia, từ khi đi vào hoạt động, các dịch vụ “ăn theo” phát triển rầm rộ tạo thành một dải đất sầm uất, náo nhiệt nối liền với TP. HCM. Phát triển đô thị ở khu vực hai bên tuyến này kéo theo tác động kinh tế ở vùng lân cận. Nhờ vậy, kích thích giá trị bất động sản là diễn biến chắc chắn sẽ xảy ra không chỉ khu vực mặt tiền mà các vùng nằm sâu phía trong cũng được hưởng lợi.
Nhà đất Bàu Bàng “ăn theo” hạ tầng Mỹ Phước - Tân Vạn
Trước những diễn biến thuận lợi đến từ sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, các dự án địa ốc vùng ven tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn đang có xu hướng “nhộn nhịp” sau giai đoạn trầm lắng cuối năm 2022.
Ghi nhận từ thị trường, bắt đầu từ cuối tháng 3/2023, giao dịch bất động sản tại huyện Bàu Bàng có sự chuyển biến rõ nét, nhiều nhà đầu tư đã tiếp cận các nhân viên môi giới tìm hiểu về nhà, đất tại đây.
Anh Văn Hùng, một môi giới lâu năm tại đây cho biết: “Tại Bàu Bàng vẫn có lượng khách nhất định “săn” đất nền, nhà xây sẵn dù thị trường chung có nhiều diễn biến không thuận lợi. Tuy nhiên, giai đoạn này họ chủ yếu tìm mua các sản phẩm đã có nhà xây sẵn, đầy đủ pháp lý”.
Qua khảo sát thực tế, một số dự án bất động sản vẫn đang được nhà đầu tư tìm đến như Khu đô thị Phúc An Ashita do Trần Anh Group phát triển, có mức giá từ 2,4 tỷ đồng cho nhà xây sẵn với diện tích trung bình 5x20m; hay như Khu đô thị Thăng Long Luxury Bình Dương do An Lạc Việt Land đầu tư, cũng có mức giá từ 2,3 - 2,4 tỷ đồng cho nhà xây sẵn diện tích 5x20m…
“Sở hữu bất động sản tại Bàu Bàng tại thời điểm này là hợp lý, khi giá đất cũng như các dòng sản phẩm vẫn có giá phải chăng và ở giai đoạn chờ “sóng” khi hạ tầng tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn và Vành đai 3 - TP. HCM hoàn chỉnh”, chuyên viên môi giới một sàn giao dịch bất động sản tại đây cho hay.
Các chuyên gia nhận định, thời điểm quý II/2023, khi thị trường vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc chính là lúc phù hợp để mua nhà. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, vào quý III hay giai đoạn cuối năm, khi thị trường phục hồi, các kênh huy động vốn được khơi thông, những cơn sốt đất có thể quay trở lại. Bởi vậy, người mua nhà xuống tiền vào thời điểm hiện tại sẽ hưởng lợi với mức giá "dễ chịu" hơn.
Theo đó, các thị trường bất động sản còn nhiều dư địa như Bàu Bàng dễ thu hút người mua. Nguyên do, Bàu Bàng sở hữu 4 lợi thế phát triển so với các khu vực khác trong nội tỉnh Bình Dương: tài nguyên đất còn nhiều cho các khu công nghiệp lớn; địa hình cao và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ thuận lợi phát triển; vị trí đắc địa giữa các tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh, được tập trung nhiều hạ tầng giao thông lớn chạy qua; nội lực vùng lớn khi là khu vực được Chính phủ chấp thuận cho phát triển KCN mới, KCN hiện đại dựa trên các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo.
Từ nay đến năm 2030, huyện Bàu Bàng dự kiến sẽ có 10 KCN với tổng diện tích đất là 6.796,80ha, tăng gấp 6,2 lần so với năm 2020. Như vậy chỉ trong vòng 5 năm nữa, Bàu Bàng sẽ phát triển như Thuận An, Dĩ An hay TP. Thủ Đức với định hướng đô thị thông minh… Theo đó là hệ thống nhân lực trình độ cao, dân cư tập trung đông đúc.
Bởi vậy, nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội “rà sóng” bất động sản Bàu Bàng vì các chủ đầu tư chưa đưa ra phương án tăng giá bán đối với sản phẩm nhà xây sẵn đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Theo: VietNamFinance.vn