Hãng dược Kobayashi ngày 29/3 xác nhận trường hợp thứ 5 tử vong liên quan đến thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ.
Theo Kyodo, công ty dược phẩm của Nhật Bản liên tiếp nhận được báo cáo về các ca bệnh liên quan đến thực phẩm chức năng "beni-koji choleste help" từ ngày 22/3 tới nay.
Hãng Kobayashi tổ chức cuộc họp cổ đông thường niên vào ngày 28/3 tại Osaka. Ảnh: Jiji
Ngoài 5 nạn nhân trên, khoảng 100 người khác phải nhập viện sau khi dùng sản phẩm của Kobayashi. Hãng này cũng nhận tới 12.000 thắc mắc về vấn đề trên.
Hãng dược Kobayashi và Bộ Y tế Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân của các ca tử vong. Mối liên hệ giữa số người chết và thực phẩm chức năng vẫn chưa rõ ràng nhưng hãng dược đã tiến hành thu hồi sản phẩm khi có thông tin. Các công ty khác sử dụng gạo men đỏ của Kobayashi cũng hành động tương tự khi mối lo ngại của công chúng về chất này ngày càng tăng.
Nhận định của bác sĩ
Theo Japan Times, giới chuyên gia đánh giá bản thân gạo men đỏ an toàn, mối nguy hiểm cho sức khỏe rất có thể do một chất chưa xác định nào đó đã xâm nhập vào các lô thực phẩm chức năng được sản xuất trong một khung thời gian nhất định.
Gạo đỏ lên men làm bằng cách lên men gạo bằng nấm monascus purpureus màu đỏ tím. Loại gạo này được sử dụng làm màu thực phẩm, được cho là có lợi cho sức khỏe như giảm cholesterol.
Hiện chưa rõ thực phẩm chức năng của Kobayashi có chất gì gây hại. Ảnh: NHK
“Gạo đỏ lên men chứa chất tương tự trong loại thuốc mà chúng tôi thường kê cho bệnh nhân để giảm mức cholesterol. Đó là lý do gần đây loại gạo đó được sử dụng phổ biến trong thực phẩm chức năng quảng cáo giảm cholesterol”, Rei Shibata, bác sĩ tại Trường Y khoa Đại học Nagoya, giải thích.
Bác sĩ Shibata nói thêm gạo men đỏ là một chất an toàn nên các tác dụng phụ nguy hiểm do sản phẩm của Kobayashi gây ra rất có thể do một thứ gì đó xuất hiện hoặc trộn vào trong quá trình sản xuất.
Trước đây, ở châu Âu đã có báo cáo về các mối nguy hiểm cho sức khỏe từ sản phẩm sử dụng gạo men đỏ dẫn tới một quy định vào năm 2019 về mức citrinin tối đa ở thực phẩm chức năng. Đây là một chất đôi khi được tìm thấy trong gạo men đỏ có thể tạo ra độc tố nấm mốc dẫn tới bệnh thận.
Tuy nhiên, hãng dược Kobayashi khẳng định không tìm thấy citrinin trong sản phẩm của mình.
Bác sĩ Shibata khuyến cáo những người đã sử dụng các sản phẩm dược nhất định, có thể cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ đặc biệt nếu bạn gặp các triệu chứng như sưng tấy hoặc bất ổn khi đi tiểu. “Sẽ có nhiều rủi ro hơn đối với những người dùng thực phẩm chức năng vì đó là thứ bạn dùng hằng ngày”, vị bác sĩ nói.
#Thựcphẩmchứcnăng
Theo: https://vietnamnet.vn/nguoi-thu-5-tu-vong-vi-thuc-pham-chuc-nang-cua-nhat-bac-si-dua-ra-nguyen-nhan-2264912.html